Tháng Hai 10, 2017
Nga không kích nhầm, 3 lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng ở Syria
Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ba binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và 11 người khác bị thương do hậu quả của một vụ không kích không chủ ý, đánh vào vị trí của lực lượng chiến dịch Lá chắn Euphrates.
Sự cố xảy ra gần thị trấn Al-Bab, lực lượng không quân Nga khi tiến hành không kích vào các vị trí của IS đã vô tình đánh trúng vào một tòa nhà có các binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay sau khi biết tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân
Ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí văn phòng tổng thống Nga cho biết, Moscow và Ankara sẽ tổ chức một cuộc điều tra chung về sự cố xảy ra.
Được biết, từ giữa tháng 1/2017 Không quân Nga và Không quân Thổ Nhĩ Kỳ liên kết phối hợp tiến hành các cuộc không kích vào lực lượng khủng bố IS ở Syria. Các cuộc không kích trong khu vực thành phố Al-Bab đã phá hủy hơn 60 mục tiêu bao gồm: Kho vũ khí đạn dược, nhiên liệu, các vị trí co cụm binh lực của các tay súng khủng bố, trang thiết bị quân sự.
Và sau sự cố này đáng tiếc này, Tổng thống Putin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã phối hợp chưa tốt với nhau tại Syria. Tổng thống hai nước nhất trí hai bên sẽ tăng cường hợp tác.
Tháng Hai 7, 2017
Trump tuyên bố: “Tòa án Liên bang phải chịu trách nhiệm nếu Mỹ bị khủng bố”
Mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích thẩm phán James Robart và Tòa án Liên bang tại Seattle (Washington) vì phán quyết ngừng sắc lệnh cấm nhập cảnh mà ông đã ký. Ông Trump cho rằng, quyết định của thẩm phán Robart là hành động “nực cười” và phán quyết đó gây nguy hiểm đến an ninh nước Mỹ, khủng bố có thể xảy ra.
Người đứng đầu nước Mỹ đã đăng tải dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter rằng: “Không thể tin một thẩm phán lại có thể đặt nước Mỹ vào tình trạng nguy hiểm. Nếu có bất cứ điều gì xảy ra họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm”.
Trump tuyên bố: “Tòa án Liên bang Mỹ phải chịu trách nhiệm nếu Mỹ bị khủng bố”
Trước đó, ngày 3/2, thẩm phán Robart đã ra phán quyết tạm thời chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ của ông Trump đối với cư dân 7 nước Hồi giáo (gồm Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen). Sắc lệnh này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và các nhóm nhân quyền.
Bộ Tư pháp Mỹ lập tức kháng cáo, nhưng đã bị Toà án phúc thẩm Liên bang Mỹ bác bỏ. Cuộc chiến pháp lý vẫn đang tiếp diễn giữa chính quyền Mỹ với 2 nguyên đơn là bang Washington và bang Minnesota.
Chính quyền Trump cho biết, sẽ dùng mọi biện pháp để thực hiện sắc lệnh của Tổng thống về vấn đề dân tị nạn và nhập cư mà vẫn tuân theo phán quyết của tòa án Liên bang. Mike Pence, Phó tổng thống Mỹ trả lời Fox News: “Chúng tôi sẽ dùng quyền hạn hợp pháp để bảo vệ sắc lệnh và thực hiện những điều cần thiết nhằm bảo vệ đất nước”.
Cũng từ đây một câu hỏi đã được đặt ra là: “Vì sao thẩm phán liên bang ở tòa cấp thấp chặn được sắc lệnh của Trump?”.
Được biết, sở dĩ thẩm phán Robart có thể chặn được sắc lệnh của ông Trump vì mô hình tam quyền phân lập của nước Mỹ. Theo đó, Quốc hội nắm quyền lập pháp. Tổng thống nắm quyền hành pháp còn tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới nắm quyền tư pháp.
Tháng Một 23, 2017
Nga có thể “xóa sổ” quân đội Anh chỉ trong một buổi chiều
Ngày 22/1, Daily Mail dẫn kết quả phân tích chiến lược của Trung tâm Phân tích lịch sử và nghiên cứu xung đột (CHACR) cho hay, năng lực của quân đội Anh “đã trống rỗng” đến mức độ có thể đánh mất toàn bộ lực lượng chiến đấu trong một lần chiến đấu nếu xuất hiện mối đe dọa “từ phía Đông”.
Nga có thể “xóa sổ” quân đội Anh chỉ trong một buổi chiều
CHACR là một trung tâm nghiên cứu độc lập của quân đội Anh và có liên kết với Học viện Quân sự Sandhurst. Và để đưa ra được nhận định này, CHACR đã nghiên cứu rất kỹ tương quan lực lượng hiện nay giữa Nga và Anh, đồng thời đánh giá sức mạnh quân đội của hai nước trong tương lai.
Theo CHACR, các đơn vị chiến đấu của quân đội Anh có thể bị tiêu diệt hoàn toàn “chỉ trong một buổi chiều” bởi một đối thủ có sức mạnh như Nga.
Thực trạng trên có nguyên nhân xuất phát từ việc “năng lực triển khai lực lượng của quân đội đang ngày càng trở nên yếu kém”. Điều đó có nghĩa là quân đội Anh phải chật vật để tham gia thậm chí vào một cuộc xung đột giới hạn như ở Iraq năm 2003. Khi đó, Anh phải mất nhiều tháng để chuẩn bị.
Cũng theo như lý giải của CHACR, nguyên nhân của tình trạng này là Anh đang cắt giảm ngân sách quốc phòng, đặc biệt là với lực lượng tăng thiết giáp. Việc này đã “đục khoét” và làm suy giảm sức mạnh quân đội, đặc biệt là khi phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng.
Được biết, hiện Anh chỉ có hơn 83.000 binh lính chuyên nghiệp và 102.000 lính dự bị. Trong khi đó, Nga có 750.000 binh sĩ chuyên nghiệp và hơn 2.000.000 lính dự bị. Theo CHACR, có một lực lượng sẵn sàng chiến đấu tương đối nhỏ như vậy không chỉ là một bất lợi của bản thân nó mà còn khiến giới tướng lĩnh chỉ huy của Anh thêm thận trọng trong bất kỳ cuộc đối đầu tiềm năng nào.
Hơn nữa, Anh còn gặp khó khăn trong việc vận chuyển lực lượng của họ đến bất kỳ cuộc chiến tranh nào bởi hiện họ chỉ có trong tay số phương tiện chở được 3 sư đoàn trong một lần, tương đương với khoảng 5.000 binh sĩ. Số binh sĩ còn lại sẽ phải đi tàu thương mại, tàu thuê hoặc máy bay.
Một tên lửa Trident II D5 của quân đội Anh vừa bắn thử đã bất ngờ đổi hướng trên bầu trời, nhắm thẳng về phía bờ biển Mỹ
Trong một tin có liên quan, ngày hôm qua 22/1, một tên lửa Trident II D5 với tầm bắn tối đa hơn 7000km của quân đội Anh vừa bắn thử đã bất ngờ đổi hướng trên bầu trời, nhắm thẳng về phía bờ biển Mỹ.
Được biết, loại tên lửa điều hướng 3 giai đoạn này có sức công phá vô cùng lớn, nếu việc chuyển hướng kia hoàn thành rất có thể đã giết chết hàng triệu người Mỹ khi nó bay về phía Florida, Mỹ.
May mắn là tên lửa đã phát nổ trên không trung và chưa chạm tới địa phận nước Mỹ, tuy nhiên lý do vì sao vụ thử thất bại chưa được tiết lộ.
Tháng Một 19, 2017
Ông Trump có thực sự muốn thân thiết với Nga?
Khi tranh cử, ông Trump có nhiều tuyên bố tốt đẹp về Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như về Nga. Sau khi giành chiến thắng, ông cũng liên tục lặp lại quan điểm muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Ông thậm chí còn cho rằng, chỉ có kẻ ngốc mới phản đối điều đó. Ông cũng thường xuyên “bảo vệ” Nga trước những cáo buộc của cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng, Moscow đã can thiệp bầu cử Mỹ.
Không chỉ có những tuyên bố thân thiện trực tiếp về Nga, ông còn thể hiện những lập trường rất “hợp ý” Nga về nhiều vấn đề như NATO, Liên minh châu Âu (EU).
Sau đây hãy cùng xem lại những tuyên bố của ông Trump có thể khiến Nga khấp khởi mừng thầm từ sau khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ.
Về NATO
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Ông Trump nói: “Tôi đã nói từ rất lâu rồi, rằng NATO có nhiều vấn đề. Vấn đề số một là nó đã lỗi thời bởi vì nó được thiết kế từ nhiều, nhiều năm trước. Vấn đề thứ hai là, những nước đó đã không trả tiền cho thứ mà họ đáng lẽ ra phải trả”.
Sau phát ngôn trên của ông Trump, hãng thông tấn Interfax của Nga đã dẫn lời Phát ngôn viên Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, bày tỏ sự đồng tình với ông Trump. Ông Peskov nói: “NATO thực sự đã lỗi thời và chúng tôi cũng đồng ý với điều đó”.
Về Liên minh châu Âu (EU)
Ông Trump nói: “Cá nhân tôi không nghĩ rằng nó (EU) quan trọng đối với Mỹ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó quan trọng. Hãy nhìn xem, EU đã được hình thành với một phần mục đích là để gây tổn hại đến thương mại Mỹ. Đúng không nào?Vì vậy, tôi không thực sự quan tâm cho dù nó bị chia rẽ hay đoàn kết. Với tôi, điều đó không quan trọng”.
Trong một cuộc phỏng vấn được báo Bild của Đức và Times of London của Anh xuất bản ngày 16/1, ông Trump miêu tả EU là “cỗ xe của Đức” và dự đoán rằng nhiều quốc gia khác sẽ nối gót Anh rời khỏi EU.
Ông Trump cũng cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phạm “một sai lầm thảm họa” khi cho phép người tị nạn đổ vào châu Âu.
Về người sẽ được tin tưởng là một đồng minh của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel
Cũng trong buổi phỏng vấn với báo Bild của Đức và Times of London của Anh, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho biết, ông đặt lòng tin vào Thủ tướng Đức Angela Merkel ngang với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump bắt đầu cuộc phỏng vấn chung với 2 tờ báo Anh và Đức bằng lời khẳng định rằng: “Tôi tin cả hai”. Nhưng ông cũng cho biết: “Để xem điều đó kéo dài được bao lâu. Có thể nó không kéo dài được lâu”.
Về hồ sơ dài 35 trang bao gồm những cáo buộc chưa được chứng minh rằng Nga đã ủng hộ và hỗ trợ ông Trump trong ít nhất 5 năm qua.
Hôm 11/1, sau khi trang BuzzFeed công bố hồ sơ dài 35 trang gồm thông tin cho rằng Nga đã ủng hộ và hỗ trợ ông Trump trong ít nhất 5 năm qua, ông Trump nói: “Vâng, như các bạn đã biết, ngày hôm nay, Tổng thống Putin và Nga đã đưa ra một tuyên bố rằng tin tức đó là giả mạo. Họ nói rằng điều đó chưa bao giờ xảy ra”.
Ông còn cáo buộc: “Tin giả. Đó hoàn toàn là hành động quấy rối chính trị”.
Về mối quan hệ của ông với Tổng thống Nga Putin
Ông Donald Trump luôn tuyên bố muốn có quan hệ tốt đẹp với Nga
Ông Trump không ngại ngần nói: “Vâng, nếu ông Putin thích Donald Trump, tôi coi đó là một tài sản, không phải là trách nhiệm, bởi vì chúng ta đang có mối quan hệ khủng khiếp với Nga. Nga có thể giúp chúng ta chống lại IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Nếu xem xét kĩ, bạn có thể thấy, chính quyền này (chính quyền của ông Obama) đã tạo ra IS bằng cách rời (Iraq) đi không đúng thời lúc. Khoảng trống đã được tạo ra, IS đã hình thành”.
Về lời chúc giáng sinh của ông Putin
Hôm 23/12, ông Trump đã chia sẻ bức thư của Tổng thống Nga Vladimir Putin mang thông điệp chúc mừng Giáng sinh cùng lời kêu gọi khôi phục khuôn khổ hợp tác song phương. Kèm theo đó, ông Trump nói: “Một bức thư rất hay từ ông Vladimir Putin, những suy nghĩ của ông rất đúng. Tôi hy vọng cả hai bên có thể thực hiện đúng với những suy nghĩ này và chúng ta không phải đi một con đường khác”.
Về lời khen của ông Putin
Hôm 17/12, sau khi được ông Putin khen là người thông minh, ông Trump đã rất vui vẻ đáp lại: “Tôi rất vinh dự khi được khen bởi một người đàn ông rất được tôn trọng ở đất nước ông và xa hơn nữa. Tôi luôn luôn nghĩ rằng Nga và Mỹ có thể làm việc cùng nhau, đánh bại chủ nghĩa khủng bố và khôi phục hòa bình thế giới. Không chỉ có thương mại, tất cả các lợi ích khác đều bắt nguồn từ sự tôn trọng lẫn nhau”.
Về những cáo buộc của tình báo Mỹ cho rằng Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ
Ông Trump phản bác bằng cách nhắc lại một sai lầm trầm trọng của tình báo Mỹ, dẫn đến việc Mỹ xâm lược Iraq. Ông nói: “Đây (tình báo Mỹ) là những người đã nói Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Ông Trump có thực sự muốn thân thiết với Nga hay có một kế hoạch khác?
Theo NBC News, tuy ông Trump liên tục thể hiện lập trường thân thiện với Nga, nhưng nhiều chuyên gia Nga vẫn tỏ ra nghi ngờ về mục đích thực sự của ông.
Một chuyên gia có tên Katz đặt câu hỏi: “Liệu có phải ông ấy đang có một chiến lược ‘láu cá’ nào đó để đánh lạc hướng ông Putin?”. Có lẽ, chưa ai trả lời được câu hỏi này bởi ông Trump được đánh giá là người khó đoán.
Tháng Một 19, 2017
Hàng loạt tổ chức khủng bố hô hào ám sát ông Trump vào ngày nhậm chức
Tin thế giới – Các tổ chức như IS, al-Qaeda đang kêu gọi tấn công nhằm vào buổi lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20/1 tới.


Tháng Một 18, 2017
Trump lại bị kiện gần ngày nhậm chức
Theo đó, bà Summer Zervos, người từng cáo buộc ông Trump tấn công tình dục vào năm 2007 cho rằng, ông ấy đã nói dối nước Mỹ về hành vi của mình. Vì vậy, bà Zervos quyết đâm đơn kiện một lần nữa với cáo buộc, ông Trump là “kẻ nói dối và ghét phụ nữ”, có hành vi làm “mất phẩm cách và bôi nhọ bà”.
Bà Zervos cho biết thêm, “ông Trump hứa rút lại tuyên bố như tôi yêu cầu, nhưng ông ấy đã không thực hiện, nên tôi không còn cho tôi lựa chọn nào khác ngoài việc kiện ông để thanh minh cho danh tiếng của tôi”.
Bà Summer Zervos, người cáo buộc Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump
Đơn kiện của bà Zervos đã được thông báo trong một cuộc họp báo hôm 17/1, khi chỉ còn ba ngày nữa ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Zervos cho hay, bà sẵn sàng rút đơn kiện ngay lập tức mà không đòi bồi thường về tiền, nếu ông rút lại các tuyên bố sai trái, xúc phạm bà. Đồng thời, ông Trump phải thừa nhận những điều bà nói về ông là sự thật.
Được biết, trong những tuần trước ngày bầu cử tổng thống, Zervos là một trong những phụ nữ đã cáo buộc ông Trump tấn công tình dục. Cựu thí sinh 41 tuổi của chương trình truyền hình thực tế The Apprentice nói, ông Trump nhiều lần cố hôn, sờ mó bà trong cuộc gặp thảo luận cơ hội việc làm tại khách sạn Beverly Hills, thành phố Los Angeles.
Tuy nhiên, ông Trump bác bỏ tuyên bố và cho nó là “sai trái và kỳ quặc”, đồng thời doạ kiện những người cáo buộc ông.
Tháng Một 13, 2017
Ông Trump chưa thể thôi kinh doanh trước ngày nhậm chức
Mặc dù từng cam kết rút hẳn khỏi đế chế kinh doanh bất động sản của gia đình trước khi bước chân vào Nhà Trắng, nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dường như còn rất nhiều công việc tồn đọng, không thể giải quyết trước ngày nhậm chức 20/1 tới.

Tháng Một 10, 2017
Bấp bênh tương lai hòa bình của Cyprus
Tin tức 24h – Lãnh đạo các phe đối địch tại Cyprus đã quyết định khôi phục tiến trình đàm phán hòa bình được Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn vào ngày 9/1.

Tháng Một 10, 2017
Phát hiện thi thể một quan chức ngoại giao Nga tại Hy Lạp
Tin tức thế giới – Một quan chức ngoại giao phụ trách bộ phận lãnh sự thuộc Đại sứ quán Nga ở Hy Lạp vừa bị phát hiện đã tử vong tại nhà riêng ở trung tâm Thủ đô Athens vào chiều 9/1.
Ông Andrei Melanin, quan chức ngoại giao Nga, được phát hiện đã tử vong tại căn hộ của ông nằm trên đường Herod Atticus.
Thi thể của ông Andrei Melanin, 55 tuổi, được đồng nghiệp phát hiện vào chiều qua (9/1) tại căn hộ của ông nằm trên đường Herod Atticus. Ngay sau khi nhận được thông tin, giới chức trách địa phương và một điều tra viên đã khẩn trương có mặt tại hiện trường.
Tờ Zvezda của Nga cho biết, trước thời điểm xảy ra vụ việc, ông Malanin không đến cơ quan làm việc và cũng không trả lời điện thoại. Cảm thấy bất an, đồng nghiệp ông đã đến nhà ông. Do cửa bị khóa trái bên trong nên họ phải gọi cảnh sát.
Không giống vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov trong buổi triển lãm nghệ thuật ở thủ đô Ankara hôm 19/12/2016, các báo cáo sơ bộ xác nhận ông Malanin tử vong không phải do bị sát hại. Trong khi đó, một tờ báo của Hy Lạp lại cho hay rằng, ông Malanin tử vong do “nguyên nhân bất thường”.
Hiện cảnh sát Hy Lạp đang điều tra vụ việc. Các xét nghiệm pháp y và công tác khám nghiệm tử thi sẽ được tiến hành nhằm xác định nguyên nhân gây nên cái chết của quan chức ngoại giao Nga này.
Tháng Một 9, 2017
Ông Obama thừa nhận “đánh giá thấp” Tổng thống Nga Putin
Theo Đài TNHK, sau khi có kết luận của tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông đã “đánh giá thấp” tác động của chiến dịch đưa thông tin sai lạc và xâm nhập máy tính đối với một nền dân chủ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Phát biểu trên chương trình “This Week” của hãng ABC News, Tổng thống Obama nói rằng ông không đánh giá thấp Tổng thống Nga Vladimir Putin, người bị cộng đồng tình báo Mỹ cáo buộc đã ra lệnh thực hiện nỗ lực làm suy yếu hệ thống bầu cử dân chủ Mỹ, cũng như làm suy yếu ứng cử viên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton, đối thủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Mặc dù vậy, ông Obama nói: “Tôi nghĩ rằng, trong thời đại thông tin mới này, tôi đã đánh giá thấp mức độ mà việc đưa thông tin sai lạc và xâm nhập trên mạng… có thể có tác động vào các xã hội cởi mở của chúng ta, các hệ thống mở của chúng ta, để họ luồn vào các hoạt động dân chủ của chúng ta theo những cách thức mà tôi nghĩ rằng đang gia tăng nhanh chóng..
Theo tổng thống Mỹ, ông đã công bố một báo cáo tình báo được rút ngắn của Mỹ về hành động xâm nhập mạng của Nga “để đảm bảo rằng chúng ta hiểu đây là một việc mà ông Putin đã làm trong một thời gian đáng kể ở châu Âu, ban đầu ở các quốc gia chư hầu cũ, nơi có rất nhiều người nói tiếng Nga, nhưng ngày càng gia tăng trong các nền dân chủ phương Tây”.
Cộng đồng tình báo Mỹ kết luận rằng Nga đã xâm nhập hàng nghìn thư điện tử của John Podesta, người đứng đầu chiến dịch vận động của bà Clinton và công bố chúng thông qua trang WikiLeaks. Nhiều email trong số đó đã tiết lộ những chi tiết gây mất thể diện cho thấy các nhân viên đảng Dân chủ tìm cách giúp Clinton đánh bại đối thủ là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont để được đảng đề cử làm ứng cử viên tổng thống.
Trong một diễn biến khác, ngày 8/1, Chánh Văn phòng Nhà trắng của chính quyền Mỹ sắp nhậm chức Reince Priebus cho biết, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đồng ý với kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã tiến hành tấn công mạng nhằm quấy rối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời cho biết “các biện pháp có thể được đưa ra” để phản ứng.
Phát biểu trên chương trình Fox News Sunday, ông Priebus nói rằng ông Trump “chấp nhận thực tế rằng trong trường hợp cụ thể này, các thực thể ở Nga” đã đứng sau hành động xâm nhập vào các tổ chức và cá nhân của đảng Dân chủ.
Theo ông Priebus, Tổng thống đắc cử Trump dự kiến sẽ chỉ thị cộng đồng tình báo đưa ra các đề xuất cần phải làm gì và dựa trên những đề xuất này, “các hành động có thể được tiến hành.”
Mặc dù trước đó, ngày 7/1, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích những ý kiến phản đối một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Trên trang mạng Twitter, ông Trump khẳng định một mối quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tốt và chỉ những “kẻ khờ” mới nghĩ ngược lại.
Tỷ phú bất đồng sản này còn nhận định sau khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, Nga sẽ tôn trọng Mỹ hơn hiện nay, và hai nước có thể sẽ cùng hợp tác để giải quyết một số vấn đề lớn và cấp bách trên thế giới.
Lời chỉ trích của Tổng thống đắc cử Trump được đưa ra một ngày sau khi ông gặp giới lãnh đạo cộng đồng tình báo Mỹ, trong đó có Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia James Clapper và Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương John Brennan. Cả hai quan chức trên đều cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống bầu cử Mỹ.